Dị ứng thức ăn là phản ứng dị ứng miễn dịch của cơ thể với các dị nguyên chứa trong thức ăn. Nhiều nghiên cứu cho thấy tỉ lệ người dị ứng với thức ăn ngày càng tăng. Dị ứng với thức ăn xuất hiện sớm ở những người có cơ địa viêm da dị ứng (viêm da atopy). Cơ chế phản ứng dị ứng thường thông qua kháng thể IgE và ít gặp hơn là qua các cơ chế khác. Dị ứng thức ăn có biểu hiện khá đa dạng như: sốc phản vệ, nổi mề đay, hen phế quản, phù thanh quản, viêm mũi, eczema, ngứa, viêm da... Những yếu tố nguy cơ gây  dị ứng thức ăn:

Có nhiều yếu tố nguy cơ gây dị ứng thức ăn như: protein và các phân tử không thay đổi khi đi vào tuần hoàn, hệ miễn dịch tại ruột và tính miễn dịch của niêm mạc ruột, một số chất gây tăng tính thấm của niêm mạc ruột như rượu, aspirin, nhiễm virut, ký sinh trùng, nấm sau khi ăn thức ăn gây dị ứng mà làm công việc gắng sức có thể dẫn đến sốc phản vệ...

Một số loại thức ăn dễ gây dị ứng: gạo, khoai tây, đậu, lạc, cá, trứng, sữa, rau, quả,... Nên chú ý đề phòng với những loại thức ăn có nguy cơ gây sốc phản vệ cao nhất là lạc, tôm, cua, sữa, trứng, cá...

Trong Y học, dị ứng protein trong sữa bò chủ yếu xẩy ra ở trẻ em, với các triệu chứng ở đường tiêu hóa, hô hấp, ngoài da... triệu chứng xuất hiện sớm, chỉ vài phút sau khi ăn như sốc phản vệ, phù Quinck, nổi mề đay.

Thành phần gây dị ứng trong trứng: ovomucoid không bị nhiệt phân và ovalbumin dễ bị nhiệt phân đều có ở lòng trắng.

Tác hại của dị ứng thức ăn gây ra không chỉ là nổi mề đay, viêm da, rối loạn tiêu hóa, trào ngược dạ dày thực quản, viêm đại tràng, cơ thể mệt mỏi, hư thận, hại gan mà còn có các biểu hiện của hen phế quản, sốc phản vệ dẫn đến tụt huyết áp, nghẹt thở, mất tri giác… trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong.

Nếu đã có dấu hiệu bị dị ứng thức ăn cần sơ cứu: chườm đắp nước ấm, uống nhiều nước, uống thuốc kháng histamin, nhanh chóng đưa bệnh nhân đi khám ở bệnh viện. Nếu bị sốc phản vệ đe dọa tính mạng bệnh nhân cần hô hấp nhân tạo, xoa bóp tim ngoài lồng ngực (nếu có ngưng thở, ngưng tim ), khẩn cấp chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cứu chữa, vì điều trị càng sớm và hiệu quả thì cơ hội sống sót của bệnh nhân càng cao.